Việc thờ cúng ông địa, ông thần tài là tín ngưỡng từ lâu đời của người Việt Nam ta. Đối với người Việt, ông Địa chính là người cai quản đất đai, là một vị thần giúp những người sống trên một lãnh thổ thoát khỏi sự quấy nhiễu của ma quỷ. Trên tư tưởng tâm linh đó, việc thờ cúng đã được chú trọng tại Việt Nam từ nhiều đời. Trên bàn thờ ông Địa thường sẽ thờ cùng với ông Thần Tài. Thần tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc, liên quan trực tiếp đến công việc buôn bán, kinh tế và mang lại may mắn cho gia chủ. Vậy cách đặt ông địa ông thần tài như thế nào để mang lại may mắn cho gia chủ? thì các bạn hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Cách đặt ông địa ông thần tài
Trước tiên, ta cần tìm hiểu ý nghĩa việc thờ cúng ông Địa và ông Thần Tài. Thần Tài là vị thần trông coi tiền bạc, của cải do đó, việc thờ cúng ông Thần Tài sẽ giúp gia chủ thuận lợi trong việc làm ăn, kinh doanh và gặp nhiều may mắn. Còn ông Địa là vị thần cai quản đất đai, vì thế việc thờ cúng ông Địa mang lại bình yên cho gia đình. Việc thờ cúng không chỉ mang ý nghĩa mang lại tài lộc cho gia đình mà còn là sự cảm tạ của gia chủ đối với các vị thần giúp trông giữ đất đai và tiền bạc. Do đó cần phải biết cách đặt bàn thờ và bố trí bàn thờ sao cho đúng và hợp phong thủy của gia chủ.
Đối với việc đặt bàn thờ ông địa, ông thần tài, đây là 2 vị thần tượng trưng cho may mắn và tài lộc, do đó cần đặt hướng ra cửa nhà và chú ý hướng vượng khí vào nhà, tốt nhất là phòng khách hoặc là đặt theo hướng tốt của gia chủ. Theo quan niệm dân gian, bàn thờ ông Địa ông Thần Tài cần đặt dưới đất và ở một góc nhà nhưng không gian nhất định phải thông thoáng và sạch sẽ. Phía sau bàn thờ phải có vách dựa vào để tạo sự vững chắc và nó cũng mang ý nghĩa tạo sự bình yên và may mắn cho gia chủ.
Sau khi đã xác định chỗ đặt bàn thờ thì cần lưu ý đến vị trí ngồi của 2 vị thần.
Cách bố trí bàn thờ là ông Thần Tài ở bên trái, ông Địa phía bên phải, trong cùng là bài vị. Đặt các vị thần ngay ngắn và cách nhau một khoảng vừa phải, sau đó đặt bát nhang ở giữa. Giữa ông Thần Tài, ông Địa đặt ba hũ nhỏ đựng gạo, muối và nước.
Đặt lọ hoa bên tay phải, nên chọn những loại hoa mang ý nghĩa như hoa đồng tiền, hoa vạn thọ, hoa cúc… và đặt dĩa trái cây bên trái. Ngoài ra, cần xếp 5 chén nước theo hình chữ thập, điều này tượng trưng cho ngũ hành tương sinh, mang đến điều tốt đẹp cho gia chủ. Các bạn có thể đặt thêm một ông Cóc ngậm tiền, đây là một vật phẩm phong thủy được nhiều gia đình thờ cúng để cầu tài lộc. Tuy nhiên, cần phải lưu ý cách đặt cho chính xác, buổi sáng quay cóc ra để đón tài lộc, buổi tối quay cóc vào trong để giữ tiền tài.
Tại sao không để ông thần tài ở trên cao?
Nguyên tắc chung của người Việt Nam ta khi đặt bàn thờ ông Địa, ông Thần Tài là không đặt trên cao nhưng đặt chỗ có tầm nhìn bao quát được căn nhà và sự ra vào của khách khứa. Bàn thờ phải được đặt sát đất vì theo truyền thuyết thì ông Địa là người cai quản đất đai nên nơi ở là dưới đất, còn thần tài là là vị thần hay giúp đỡ con người và ngủ ở góc nhà. Ngoài ra, việc đặt bàn thờ còn liên quan đến truyền thuyết Âu Minh- Như Nguyện. Chính vì vậy, nhiều người thờ ông Địa, ông Thần Tài với nhau, để sát đất và ở góc nhà.
Lưu ý: không đặt bàn thờ ở gần thùng rác, nhà vệ sinh, nhà bếp. Vì đây là những nơi ô uế, không tốt cho việc thờ phụng. Ngoài ra, bạn cũng không nên đặt bàn thờ ở các góc khuất vì như thế tài vượng sẽ không thể vào. Bàn thờ ông địa, ông thần tài cần phải được sạch sẽ, khô ráo, không nên để bụi bẩn bám vào. Không đặt bàn thờ dưới chân cầu thang, nơi tăm tối, ẩm thấp không phù hợp với thờ cúng linh thiêng, gây ảnh hưởng đến đường tài lộc của gia chủ. Khi muốn làm sạch 2 vị thần thì phải dùng nước sạch hoặc rượu, không nên dùng nước bẩn.
Nhìn chung, cách đặt ông Địa ông Thần Tài trên bàn thờ cũng không quá phức tạp. Nhưng các bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh phạm phải điều cấm kỵ nhé. Bởi việc thờ cúng cần đàng hoàng, nghiêm túc và thành tâm. Từ đó những mong muốn của gia chủ mới được đền đáp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn và giải đáp được thắc mắc.